Sinh viên thất nghiệp , do quá ảo tưởng các mối quan hệ

Thứ Ba, Tháng Năm 26th, 2015

“Lo gì, nhà tao có người quen làm to, ra trường nộp hồ sơ là có việc đi làm luôn. Vấn đề là tao có thích chỗ đó không thôi…”

 “Bác tao làm to lắm, chủ yếu ngồi duyệt và ký giấy tờ chỉ đạo mọi người thôi. Hôm trước gặp, bác bảo tao chăm chỉ học, chỉ cần cái bằng đẹp là được”, cô bé bàn bên vẫn cứ thao thao bất tuyệt với người bạn của mình.

Tình cờ nghe được đoạn hội thoại của hai cô bạn ở quán trà tự dưng người viết có tí giật mình bởi từng câu từng chữ, từ cách nói chuyện của cô bạn sinh viên rất giống tâm sự của người bạn thân.

Hiện tại, người bạn đó đã xin vào làm ở một công ty truyền thông, công việc khá ổn định, phù hợp với chuyên ngành. Trước đó cô bạn từng phải chật vật, lăn lộn ngoài thực tế mất cả năm trời vì không tìm được việc ổn định, phù hợp với chuyên ngành.

Vốn học báo, gia đình có họ hàng đều làm trong ngành thậm chí làm to nên bố mẹ khuyên cô bạn thi báo sau này dễ xin việc. Thuận theo gia đình, cô bạn này đã thi trường báo và may mắn đỗ đúng ngành khá hot hiện nay. Điều này khiến cô bạn và gia đình tự hào lắm.

Hồi mới đi học, cô bạn đã khoe với tôi về những công việc, chỗ nhà nước ngon, ổn định mà gia đình cô nàng có thể xin khiến tôi phát ghen, nhiều khi cảm thấy khó chịu bởi sao có nhiều người may mắn thế.

Ra trường, tốt nghiệp tấm bằng khá của ngôi trường mà nhiều người mơ cũng khó đỗ nên cô bạn tỏ ra thích ý lắm. Trong khi tôi cuống cuồng đi rải hồ sơ khắp các địa chỉ thì cô bạn về  nhà an dưỡng, chờ việc đến với mình. Nếu ai có hỏi là dạo này làm gì rồi, cô bạn đều hồn nhiên nói vẫn muốn chơi, chưa thích làm gì cả. “Toàn công việc lèo tèo, tháng 3 triệu thì làm làm gì, không đủ tiền xăng xe và hạ thấp cái bằng đại học của mình xuống”, cô bạn thẳng thắn trả lời.

Mọi chuyện tưởng như thuận buồn xuôi gió, cứ thuận theo suy nghĩ nhưng ai ngờ, chỉ vài tháng sau khi ra trường, cô nàng phát hoảng, thường xuyên “khủng bố” điện thoại của tôi bằng những cuộc nói chuyện dài, lâu để kể về những chuyện buồn, khó khăn và cuộc sống khi thất nghiệp. Cô bạn kể về khó khăn khi đi thực tế, đi phỏng vấn xin việc toàn bị loại ngay từ vòng hồ sơ.

Rồi chuyện xin việc, người thân dăm lần bảy lượt bảo nộp hồ sơ, ấy vậy mà chẳng chỗ nào thấy gọi. Lúc nào gặp cũng hứa hứa và một điệp khúc “đợi” cơ hội.

Vật vờ vài năm sau khi ra trường, may mắn giờ này cô bạn cũng đã đi làm ổn định, cuộc sống dần vào quỹ đạo. Trong hầu hết câu chuyện, giờ tôi chỉ thấy cô nàng kể về công việc và khó khăn chứ không hề nhắc đến chuyện sẽ nhờ vả xin việc hay đại loại vẫn chờ chỗ nọ chỗ kia để nhảy việc.

Nhân câu chuyện kể về nỗi niềm sinh viên thất nghiệp sau khi ra trường làm tôi nhớ đến mẩu chuyện từng đọc trên fanpage của anh Tony Buổi sáng. Trong nội dung câu chuyện chia sẻ, anh Tony có chỉ ra các ví dụ điển hình để nói lên sự tự tập, tự chủ, tự trọng, tự tin,… của sinh viên hiện nay.

Anh Tony đã lấy ra ví dụ so sánh giữa 2 nhân viên mới. Một nhân viên được gửi gắm còn một tự phỏng vấn vào làm việc. Tác giả đã chỉ ra sự khác biệt một trời một vực giữa hai nhân viên ấy. Trong khi nhân viên tự phỏng vấn, xin việc thì làm việc gì cũng ưng, thì nhân viên được gửi gắm làm việc một cách gọi có, hết giờ nghỉ mà không hề có chút nhiệt tình hay là sáng tạo gì cả.

Nếu như nhân viên tự xin tự lập, đúng giờ giấc và nghiêm chỉnh bao nhiêu thì nhân viên do mối quan hệ phá luật, đối phó bấy nhiêu. Cứ hễ sếp nghỉ là y như rằng nhân viên này đi muộn, chủ yếu ngồi lướt mạng xã hội, tìm kiếm bạn bè, xem phim thay vì tập trung vào công việc, …

Mục đích của người viết khi chia sẻ câu chuyện trên để chỉ ra rằng, sinh viên hãy bớt ảo tưởng về sức mạnh bằng cấp thay vào đó cần hành động. Nếu cứ ỷ lại, phụ thuộc vào gia đình thì khó có thể tự lập, tự chủ, tự tin và tự trọng được.

Qua một vài ví dụ câu chuyện sinh viên thất nghiệp, có một thực tế mà ai cũng phải thừa nhận tỉ lệ sinh viên thất nghiệp càng ngày càng cao. Để lý giải cho con số ngày một tăng đó phải kể đến một nguyên nhân vô cùng quan trọng đó là do bản thân sinh viên chưa chịu cố gắng.

Rất nhiều sinh viên chìm đắm trong vỏ bọc gia đình, ỷ lại, sống phụ thuộc vì trước đó từ bữa cơm, bộ quần áo, đi chơi, đi học, … đều được bố mẹ sắp đặt và bày trước sẵn sàng chỉ chờ con vào ngồi. Chính suy nghĩ theo lối mòn đó, nhiều sinh viên mặc định, học xong sẽ đi làm. Mà đã bằng đẹp như này là phải làm chỗ ngon, lương cao, ngồi mát ăn bát vàng,…

Bản thân người viết từng nghe rất nhiều câu chuyện sinh viên luôn tự cho rằng bằng đẹp làm sao phải làm công việc tay chân, theo sự sai bảo của người khác mà lại lương thấp; “Làm như vậy chỉ tự hạ thấp giá trị bản thân, chứ được lợi lộc gì,…, “Thà không làm còn hơn, đi làm khổ như thế mày làm chi, về nhà mà chơi cho khỏe?”, “Đã tốt nghiệp loại giỏi, bằng đẹp, trường danh tiếng thiếu gì chỗ muốn nhận, không cần phải đi nộp hồ sơ xin việc, tự khắc họ tìm đến mình”, …

Tuy nhiên, tất cả trường hợp từng nói những câu trên đều gặp trở ngại khi đi phỏng vấn, xin việc. Bởi hầu hết trong số họ thiếu kỹ năng mềm, quá tự tin vào sách vở, lý thuyết nặng giáo điều mà không hề có chút kiến thức thực tế.

Thậm chí, nhiều sinh viên luôn ảo tưởng, lúc nào cũng như trên mây, bay bổng với ước mơ viển vông, lúc nào cũng nghĩ cuộc sống đầy màu hồng, hào nhoáng như các “oppa Hàn xẻng”.

Có lẽ căn bệnh sống ảo tưởng nhầm lẫn với ước mơ trong giới sinh viên đã trở thành bệnh mãn tính, ăn sâu vào suy nghĩ khiến sinh viên sống hời hợt, gọi là và thiếu trách nhiệm như vậy.

Cập nhât liên tục các tin tuc trong ngay mới nhất tại đây