“Cảm xúc khô cứng vì thấy lời nhận xét cho học sinh cứ như từ khuôn đúc”

Thứ Ba, Tháng Năm 26th, 2015

Trước kỳ họp phụ huynh cuối năm, cô Nguyễn Thùy Dung, giáo viên một trường tiểu học ở Cầu Giấy (Hà Nội) phải hoàn thành lời nhận xét vào sổ theo dõi chất lượng giáo dục, sổ liên lạc, học bạ cho 30 học sinh lớp 3 mà cô chủ nhiệm.

Cô giáo 26 tuổi mất gần một tuần mang sổ theo dõi về nhà, tận dụng giờ ra chơi, tranh thủ trong giờ lúc học sinh ngồi làm bài tập, thậm chí phải bớt xén thời gian hẹn hò vào cuối tuần để ngồi viết nhận xét.

“Ngón tay bị chai, cánh tay cầm bút nhức mỏi, nhưng chán nhất là cảm xúc khô cứng vì thấy lời nhận xét cứ như từ khuôn đúc ra, có khác chỉ một vài chi tiết”, cô Dung thừa nhận và cho biết về hình thức các loại sổ trên khác nhau nhưng về nội dung thì gần như trùng lặp. Việc ghi lời nhận xét giáo viên vẫn phải làm, còn học sinh và phụ huynh có đọc hay không thì lại là chuyện khác.

1-3240-1432536985.jpg
Cuối năm, mỗi giáo viên phải ghi hàng chục cuốn sổ theo dõi chất lượng giáo dục của học sinh. Ảnh: Facebook.
Thầy Hoàng Văn Quang, giáo viên dạy lớp 3 cho biết, từ khi Thông tư 30 về đánh giá học sinh tiểu học ra đời, học sinh của thầy không bị áp lực về điểm số, nhất là với những em học lực trung bình, yếu. Các em mất hẳn cảm giác tự ti, xấu hổ vì điểm thấp trước các bạn. Nhưng vô tình, giáo viên lại lúng túng không biết phải nhận xét như thế nào cho học sinh yếu kém, cá biệt.

Trước đây với cách chấm điểm, thầy cô có thể viết thẳng vào vở lời phê ngắn gọn là “em làm phép tính còn chậm, yếu” thì giờ theo tinh thần của thông tư, giáo viên sẽ không dám nhận xét như vậy. “Chúng tôi ngồi nói chuyện với nhau, rằng giờ giỏi khen đã đành, dở cũng phải kiếm lời mà khen, không khen không được. Nhiều khi tôi phải vắt óc suy nghĩ xem nên viết cái gì”, thầy kể.

Trong lớp, thầy Quang cũng không còn thấy các học sinh khá, giỏi thi đua mạnh như trước nữa. Thầy kể, trước đây mỗi lần trả vở sau giờ kiểm tra, học sinh còn háo hức hỏi nhau xem được mấy điểm. Giờ các em chỉ đọc chơi chơi rồi cất đi. Có đồng nghiệp chia sẻ trong các tổ, nhóm nghiệp vụ rằng để khuyến khích tinh thần học trò, nhiều khi họ “chấm điểm trộm” trên lớp bằng bút chì, cô thống nhất với trò và phụ huynh sau khi xem điểm sẽ xóa đi.

Trên nhiều diễn đàn, các thầy cô chia sẻ cho nhau tuyển tập mẫu nhận xét dành cho giáo viên tiểu học theo Thông tư 30. Trong đó có các mẫu nhận xét học bạ tiểu học, nhận xét vào sổ theo dõi chất lượng giáo dục, đánh giá kết quả học tập theo mức độ hoàn thành nhiệm vụ… Thầy Đoàn Hải Anh, giáo viên dạy lớp 4 ở Hà Nam nói rằng biết việc này là không nên nhưng trên không cấm nên các giáo viên đành phải nghĩ cách giảm áp lực cho mình.

>>> Xem thêm hoc toan tren mang cho học sinh THPT

Theo thầy, việc đánh giá học sinh trong sổ theo dõi được phân ra 3 mục: hoạt động giáo dục, năng lực, phẩm chất. Ngôn từ nhận xét đi theo mỗi mục phải phù hợp. Việc có mẫu giống như một đề cương để giáo viên dựa vào đó định hướng được việc nhận xét. Hiện sổ theo dõi chất lượng giáo dục của các khối có màu sắc khác nhau, giáo viên viết sai mua lại sổ rất khó, không giống như trước đây sổ đen trắng có thể mang đi photo hoặc scan.

“Có lúc ghi nhận xét nhiều quá nên mệt, mình bê những nhận xét mẫu mà đồng nghiệp chia sẻ với nhau vào học bạ, sổ liên lạc hay sổ theo dõi chất lượng giáo dục. Biết làm vậy là có lỗi với học sinh cũng như phụ huynh nhưng cũng đành liều, chống cháy một phen”, thầy nói. Khi Thông tư 30 mới được áp dụng, thấy viết lách quá vất vả, thầy Hải Anh và một số đồng nghiệp mạnh dạn đề xuất đóng dấu câu phê trong vở học sinh song không được chuyên viên phòng giáo dục cũng như ban giám hiệu chấp nhận.

Sau đó thầy đề xuất cho làm nhận xét hàng ngày trên máy tính, hết tháng các giáo viên nhận xét vào sổ theo dõi và ban giám hiệu kiểm tra. Hết học kỳ sẽ đem photo từ học bạ ra, phát về cho phụ huynh vì nhiều sổ sách quá bố mẹ các em cũng không đọc hết; hoặc có đọc cũng không nắm bắt hết được những gì giáo viên chuyển tải. Trong khi đó, gắn kết phụ huynh và giáo viên hiện nay là điện thoại, email, Facebook. Song các đề xuất đều không được chấp nhận.

“Sau những đợt kiểm tra, giáo viên chúng tôi vẫn đùa nhau rằng trên đưa ra Thông tư 30 để thầy cô chịu khó luyện chữ, luyện từ trên lớp đến vào trong vở, trong sổ nhận xét. Có lúc rảnh rang đôi chút, thầy ngồi đọc lại mà cũng không nhận ra chữ mình nữa”, thầy Hải Anh chia sẻ.

Trong các hội, nhóm Facebook dành cho giáo viên tiểu học, sau thời gian cật lực ghi nhận xét cho học sinh, nhiều thầy cô chế thơ vui Bụi phấn cuốn đời em trên bục giảng/ Đêm khuya còn hò hẹn với 30. Hay chế lời hát theo giai điệu Một cõi đi về của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn với ca từ hài hước: Thông tư trên đầu, sổ sách trên vai/ Đôi tay ta đây đã dần chai sạn/ Ghi mau cho xong thôi thì làm tạm/ Liệu có ai xem mọi thứ trong này?…