Chăm sóc bà bầu khi mang thai như thế nào

Thứ Ba, Tháng Sáu 9th, 2015

Lợi ích của khám thai

–       Đi khám thai đều đặn để biết tình trạng sức khỏe của cả mẹ và thai nhi.

–       Nếu có những dấu hiệu bất thường sẽ được theo dõi và điều trị

–       Nếu mẹ và thai nhi đều bình thường thì sẽ được cán bộ y tế hướng dẫn về cách chăm sóc thai nghén

♥      Thời điểm khám thai:

Trong thời kỳ mang thai, các bà mẹ cần đi khám thai ít nhất 3 lần hoặc theo hẹn của cán bộ y tế. Thông thường các thời điểm khám thai như sau

–       Lần khám1: ngay khi nghi ngờ mình có thai, trong vòng ba tháng đầu để:

+      Xác định có thai hay không

+      Xem thai nằm trong hay nằm ngoài tử cung

+      Tư vấn về sàng lọc trước sinh: phát hiện bất thường ở thai nhi

+      Tư vấn về vệ sinh, dinh dưỡng, sử dụng thuốc khi mang thai, giảm khó chịu khi nghén nhiều…

–       Lần khám 2: khi thai được 3 đến 6 tháng tuổi để:

+      Theo dõi sự phát triển của thai nhi

+      Theo dõi và dặn dò cách phát hiện sớm các triệu chứng và dấu hiệu của tiền sản giật và dự phòng sản giật (cân, đo huyết áp, thử nước tiểu, khám phù…)

+      Tiêm phòng uốn ván

+      Nghe tư vấn để xét nghiệm HIV, thông tin về HIV và AIDS, nhất là các con đường lây truyền và cách dự phòng lây truyền từ mẹ sang con

–       Lần khám 3: vào 3 tháng cuối của thai kỳ để:

+      Theo dõi sự phát triển của thai nhi, xác định ngôi thai

+      Tiêm phòng uốn ván cho đủ 2 lần trong thai kỳ, lần thứ 2 cách ngày sinh ít nhất một tháng

+      Phát hiện những nguy cơ cho mẹ và thai nhi, quyết định nơi sinh (Trạm y tế xã hay bệnh viện huyện…)

+      Dự đoán ngày sinh, chuẩn bị sinh, nghe hướng dẫn các dấu hiệu chuyển dạ

+      Nghe dặn dò một số dấu hiệu nguy hiểm như ra máu âm đạo, ra nước ối sớm, nhức đầu hoa mắt của tiền sản giật…

2.    Tiêm phòng uốn ván, uống viên sắt và axit Folic:

2.1.         Tiêm phòng uốn ván:

*     Với người chưa tiêm phòng uốn ván lần nào: tiêm mũi đầu khi phát hiện thai nghén bất kỳ ở tháng nào; tiếp theo tiêm mũi thứ hai sau mũi tiêm đầu ít nhất một tháng và phải cách thời gian dự kiến đẻ ít nhất 1 tháng.

*     Với những người đã tiêm đủ 2 mũi, nếu:

–       Lần tiêm trước trước < 5 năm: tiêm 1 mũi.

–       Lần tiêm trước trước > 5 năm: tiêm 2 mũi.

*     Với người đã tiêm ba mũi hoặc bốn mũi, cần tiêm nhắc lại một mũi.

*     Với người đã tiêm đủ năm mũi phòng uốn ván theo đúng lịch, nếu mũi tiêm cuối cùng cách đã 10 năm trở lên thì nên tiêm thêm một mũi nhắc lại.

2.2.        Cung cấp thuốc thiết yếu.

*     Thuốc sốt rét (vùng sốt rét lưu hành) theo phác đồ qui định của ngành sốt rét.

*     Viên sắt/folic:

–       Uống ngày 1 viên trong suốt thời gian có thai đến hết 6 tuần sau đẻ. Tối thiểu uống trước đẻ 90 ngày.

–       Nếu thai phụ có biểu hiện thiếu máu rõ, có thể tăng từ liều dự phòng lên liều điều trị 2 – 3 viên/ngày.

–       Việc cung cấp viên sắt/acid folic cần được thực hiện ngay từ lần khám thai đầu. Kiểm tra việc sử dụng và cung cấp tiếp trong các lần khám thai sau.

 

3.    Theo dõi cân nặng:

*     Tại sao phải theo dõi cân nặng:

–       Mức tăng cân của người mẹ là biểu hiện rõ mức tăng cân nặng của trẻ sơ sinh. Mối liên hệ này rất chặt chẽ.

–       Theo dõi cân nặng giúp người mẹ biết được sự phát triển của thai nhi để có chế độ dinh dưỡng hợp lý.

*     Tăng cân ở phu nu có thai:

–       Bình thường trong suốt 9 tháng mang thai người mẹ phải tăng từ 10kg đến 12kg, trong đó:

+      3 tháng đầu tăng 1kg.

+      3 tháng giữa tăng từ 3kg đến 5kg.

+      3 tháng cuối tăng 6kg.

–       Nếu thấy không tăng cân hoặc tăng quá nhanh thì cần phải đến cơ sở y tế để được khám và tư vấn kịp thời.

4.    Theo dõi sự phát triển của thai nhi

Thai chậm phát triển là tình trạng thai nhi bị suy dinh dưỡng khi còn nằm trong bụng mẹ.

*     Những nguy hiểm do thai chậm phát triển:

–       Tỷ lệ bệnh và tử vong ở trẻ sau đẻ cao.

–       Thường có những biến chứng trong khi sinh và sau khi sinh.

–       Ít nước ối (dân gian gọi là khô nước ối) cũng thường xuất hiện. Nước ối ít gây sự chèn ép dây rốn, đó là nguyên nhân gây tử vong cho con.

–       Thai chậm phát triển, đứa trẻ đẻ ra và lớn lên dễ bị những di chứng trầm trọng về thần kinh, kém phát triển về trí tuệ và những biến chứng về tim mạch.

*     Những việc bà mẹ cần làm để nhận biết thai chậm phát triển:

–       Bà mẹ có thể nhận biết được thai chậm phát triển so với tuổi thai qua một quá trình theo dõi sự phát triển của thai nhi liên tục như:

+      Lưu giữ tất cả những giấy tờ ghi nhận những bệnh tật mình có.

+      Đi khám thai ngay khi mới bị chậm kinh và khám định kỳ để chẩn đoán chính xác tuổi thai và biết được sự phát triển của thai.

+      Khi khám thai bà mẹ được đo chiều cao tử cung (dạ con) và vòng bụng để biết sự phát triển của thai, vì chiều cao tử cung tăng dần theo tuổi thai (khi chiều cao tử cung không tăng hay nhỏ hơn tuổi thai có thể thai đang chậm phát triển).

+      Bà mẹ cần luôn luôn tự theo dõi vòng bụng để biết được sự phát triển của thai.

*     Những việc bà mẹ cần làm khi thai chậm phát triển:

–       Đi khám ngay tại bệnh viện để tìm nguyên nhân.

–       Nằm nghỉ nghiêng bên trái giúp tăng lượng máu, tăng lượng oxy, chất dinh dưỡng cho thai.

–       Điều chỉnh lại chế độ ăn, đảm bảo đủ chất dinh dưỡng cho mẹ và con.

–       Uống nhiều nước, tối thiểu 8 – 10 cốc một ngày.

5.    Dấu hiệu nguy hiểm trong thời kỳ mang thai:

Phụ nữ có thai cần theo dõi để phát hiện sớm các dấu hiệu nguy hiểm sau:

–       Chảy máu từ cửa mình (hoặc giọt máu) và hoặc đau bụng.

–       Phù mặt, chân, tay hoặc nhìn mờ hoặc đau đầu nhiều.

–       Sốt.

–       Có cơn ngất (bất tỉnh) hoặc co giật.

–       Nôn mửa quá nhiều: nôn mửa là hiện tượng thường gặp khi mang thai nhất là trong giai đoạn nghén, tuy nhiên nôn mửa quá nhiều lại là điều không bình thường.

–       Đau rát khi đi tiểu và đi tiểu nhiều: có thể bạn đang bị nhiễm trùng đường tiết niệu, hay gặp rắc rối với thận, rất dễ dẫn đến nguy cơ sinh thiếu tháng

–       Không thấy cử động của thai sau tháng thứ 4, hoặc cử động thai yếu đi.

–       Da xanh, mệt mỏi, đánh trống ngực, khó thở.

–       Vỡ ối hoặc rỉ ối mà không có cơn đau đẻ.

–       Đến ngày dự kiến sinh mà chưa chuyển dạ.

Khi phát hiện có một trong những dấu hiệu trên, cần đến ngay trạm y tế xã, bệnh viện huyện hoặc tỉnh. Nếu đến muộn hoặc tự chữa trị ở nhà sẽ nguy hiểm đến tính mạng mẹ và con.

 

6.     Các dấu hiệu chuyển dạ:

–       Khi bắt đầu chuyển dạ, bà mẹ có thể thấy những dấu hiệu sau:

+      Đau bụng từng cơn ngắn, cách quãng, đau tăng dần.

+      Có thể đau mỏi vùng thắt lưng.

+      Ra chất nhầy hồng ở cửa mình.

–       Cách xử trí:

+      Khi có một trong những dấu hiệu trên, cần đưa bà mẹ đến cơ sở y tế (trạm xá, nhà hộ sinh, Trung tâm bảo vệ sức khoẻ sinh sản hoặc bệnh viện) để sinh con.

+      Mọi người trong gia đình cần chuẩn bị trước cho việc sinh đẻ và những phương tiện đi lại (cần dự kiến trước những khả năng khác nhau để đưa sản phụ trong trường hợp cấp cứu).

*     Đừng quá lo lắng, hãy bình tĩnh và tự tin! Sau vài giờ đau bụng chuyển dạ, hầu hết các bà mẹ đều sinh con an toàn.

 

7.    Chế độ dinh dưỡng:

NÊN :

–       Ăn nhiều bữa hơn và mỗi bữa ăn nhiều hơn (cần tăng khẩu phần ăn thêm 1/4 lần so với lúc chưa có thai).

–       Thay đổi món ăn, thay đổi cách chế biến sao cho ngon miệng.

–       Ăn hầu hết các loại thức ăn hàng ngày vẫn thường ăn, không cần kiêng khem.

–       Ăn thức ăn tốt nhất mà gia dinh có như sữa, hoa quả, rau, thịt, trứng, cá, đậu phụ, lạc, đậu, đỗ…

–       Ăn nhiều thực phẩm có chứa nhiều sắt, vitamin A và axit folic như thịt, cá, trứng, rau xanh và các thực phẩm có màu vàng, đỏ.

–       Ăn chất bột đường như gạo, ngô, khoai, sắn, củ mài, bột mì, đường, mật, mía; các loại quả ngọt;

–       Ăn thức ăn chứa nhiều muối khoáng và vitamin như rau tươi, hoa quả các loại.

–       Ăn các thức ăn giàu can xi như cua, tôm, cá…

–       Sử dụng muối I ốt hàng ngày vì thiếu I ốt có thể dẫn tới sảy thai và sinh ra trẻ chậm lớn, dị tật…

–       Uống đủ lượng nước cần thiết khi có thai và lúc nuôi con (từ 8 đến 12 cốc nước sạch, nước hoa quả hoặc chè thảo dược mỗi ngày).

–       Những người có bệnh mãn tính nên hỏi bác sĩ về chế độ ăn của mình.

 

KHÔNG NÊN :

–       Ăn mặn, nên thay đổi món để ngon miệng.

–       Dùng chất kích thích như rượu, bia, ớt, cà phê, thuốc lá, ma tuý.

–       Không uống thuốc nếu không có chỉ định của thầy thuốc.

 

8.    Chế độ lao động và nghỉ ngơi:

Nên:

–       Làm theo khả năng, xen kẽ nghỉ ngơi nhưng không quá nặng nhọc,

–       Lao động vừa sức.

–       Ngủ ít nhất 8 tiếng mỗi ngày. Mỗi ngày nên bố trí một tiếng nghỉ trưa.

–       Trong thời gian làm việc nên xen kẽ nghỉ ngơi giữa giờ.

–       Nếu đang làm việc thấy người mệt mỏi, đau bụng thì xin phép nằm nghỉ để cơ thể thư dãn.

–       Tập thể dục nhẹ nhàng tránh chuột rút.

Không nên:

–       Làm việc quá sức.

–       Không được làm những công việc nặng như: gồng gánh nặng, cày cấy, nhất là những tháng cuối vì có thể dẫn tới đẻ non và sảy thai.

–       Ngâm mình dưới nước (dễ nhiễm lạnh, nhiễm khuẩn) hoặc làm việc trên cao (dễ bị tai nạn).

–       Làm ban đêm (nhất là từ tháng thứ bảy).

–       Tiếp xúc với các yếu tố độc hại.

–       Đi xa, tránh xóc xe hay va chạm mạnh.

9.    Vệ sinh cá nhân của phụ nữ mang thai:

–       Nhà ở phải thoáng khí sạch sẽ, tránh ẩm, nóng, khói.

–       Tránh tiếp xúc với khói thuốc lá, khói bếp, thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật và các chất độc hại để bảo vệ sức khoẻ bà mẹ và thai nhi.

–       Tắm rửa thường xuyên, thay giặt quần áo sạch sẽ

–       Luôn giữ sạch bộ phận sinh dục để tránh nhiễm trùng. Tránh bơm rửa trong âm đạo.

–       Lau rửa đầu vú hàng ngày giúp cho tuyến sữa của vú phát triển đều để sau khi đẻ trẻ có thể bú ngay.

–       Mặc quần áo rộng rãi, thoải mái, chất liệu dễ thấm nước.

–       Không nên đi giầy, guốc có đế cao.

 

10. Quan hệ tình dục trong thời kỳ mang thai

–       Không phải kiêng tuyệt đối nhưng cần hạn chế, động tác nên nhẹ nhàng, đặc biệt là ở tháng cuối thai kỳ.

–       Quan hệ tình dục với tư thế thích hợp của người chồng. Nên tránh tư thế truyền thống (nam trên, nữ dưới), nhất là ở những tháng cuối của thai kỳ, vì tư thế này dễ gây chèn ép lên buồng tử cung, có thể làm vỡ ối sớm…

–       Nếu bà mẹ có dấu hiệu động thai, thai ra huyết, dọa sảy thai, dọa đẻ non thì không nên quan hệ tình dục.

–       Nếu bà mẹ đã từng sảy thai hoặc đẻ non ở lần thai nghén trước thì nên kiêng hẳn trong 3 tháng đầu và tháng cuối trước khi sinh.

–       Người chồng phải đảm bảo vệ sinh sẽ và không có các bệnh viêm nhiễm đường sinh dục. Nếu không, cần sử dụng bao cao su để tránh viêm nhiễm cho vợ và bảo vệ cho con.

–       Quan hệ tình dục nên do người phụ nữ hoàn toàn quyết định. Nếu người vợ muốn thì hãy quan hệ tình dục, còn không muốn thì đừng cố chiều chồng.

 

11. Những công việc cần chuẩn bị trước khi sinh con:

Chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi sẵn sàng chào đón thành viên mới trong gia đình là điều không phải cha mẹ nào cũng làm được.

–       Phụ nữ có thai không nên làm những công việc quá sức trước ngày sinh, không lo nghĩ nhiều.

–       Đến gần ngày dự kiến sinh không nên đi xa.

–       Dọn dẹp nhà cửa, giường ngủ sạch sẽ, gọn gàng.

–       Chuẩn bị sẵn tã lót, quần áo, khăn, giấy vệ sinh, thìa, cốc, bát, chăn chiếu, gối, giường ngủ cho em bé sắp sinh và đồ lót, giấy vệ sinh cho mẹ.

–       Chuẩn bị phương tiện đi lại và một khoản tiền nhất định để chi tiêu khi cần.

–       Trước khi đến cơ sở y tế, nếu có thời gian hãy tắm rửa sạch sẽ bằng nước ấm.

–       Phụ nữ có thai nên bàn với chồng và gia đình để lựa chọn nơi đẻ tại cơ sở y tế là an toàn cho cả mẹ và con.

–       Chuẩn bị để sinh con không chỉ là tã lót, đồ dùng sơ sinh mà quan trọng hơn là chuẩn bị tâm lý để làm cha, làm mẹ tốt.

Nguồn bài viết được tổng hợp từ me va be