Giết nhân tình, vứt xác xuống hầm than ở Hòa Bình

Thứ Năm, Tháng Ba 26th, 2015

tin phap luat ngày 26/03/2015

Chuyện ly kỳ về việc con gái rụng hết tóc đúng ngày mẹ mất tích và mọc tóc trở lại khi tìm thấy xác mẹ.

Sống với nhau như vợ chồng một quãng thời gian dài, nhưng chỉ vì một phút ghen tuông vô cớ, hung thủ nhẫn tâm đã dùng đá đập vào đầu nhân tình của mình cho đến chết. Để che giấu tội ác, hắn mang xác nạn nhân vứt xuống hầm than bỏ hoang sâu gần trăm mét. Nghĩ rằng tội ác sẽ mãi được chôn giấu trong lòng đất, nhưng hung thủ không ngờ rằng, chỉ 4 tháng sau, mọi sự thật đã được phơi bày khi thi thể nạn nhân chỉ còn là bộ xương. Đằng sau vụ án này cũng có nhiều câu chuyện hết sức ly kỳ.

Bộ xương dưới hầm than sâu gần trăm mét

Một ngày đầu tháng 7/2008, trời nắng như đổ lửa, trong cánh rừng thuộc địa phận xóm Mường Vọ, (xã Cuối Hạ, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình), một nhóm công nhân của công ty than đang thăm dò lại một hầm than cũ ở độ sâu khoảng 70m so với mặt đất thì bỗng nhiên phát hiện lẫn trong lớp than có một vật lạ. Mọi người gọi nhau tập trung lại để soi sáng xem là vật gì thì nhận ra đó là một bộ quần áo cùng đôi giầy vải đã mục rách. Tìm kiếm kỹ hơn quanh chỗ phát hiện bộ quần áo, nhóm công nhân hầm mỏ giật mình nhìn thấy một bộ xương người trong tư thế nằm sấp.

Sự việc được báo ngay cho cơ quan chức năng, lực lượng công an từ xã đến tỉnh lập tức có mặt để khám nghiệm hiện trường. Tại hiện trường, cảnh sát thu được một đôi tất đã rách nát, một chiếc đôi giầy cũ, một chùm chìa khóa và vài bộ quần áo đã rách nát xung quanh bộ xương. Qua khám nghiệm cho thấy phần xương sọ có một vết lún khá sâu, rất có thể là nguyên nhân khiến nạn nhân tử vong.

Sau khi khám nghiệm, cơ quan công an nhận định đây có thể là nạn nhân của một vụ án nghiêm trọng. Nạn nhân là nữ giới, khoảng 30 tuổi, đã tử vong khoảng hơn 4 tháng. Do bị chôn vùi trong không gian ẩm thấp, xác nạn nhân đã bị phân hủy nhanh hơn so với bình thường. Giả thiết đặt ra là nạn nhân đã bị sát hại dã man, sau đó bị quăng xác xuống hầm than để phi tang. Tuy nhiên, lực lượng điều tra không tìm thấy bất kỳ giấy tờ tùy thân nào của nạn nhân dẫn đến việc xác minh thông tin cực kỳ khó khăn.

Để xác định danh tính của nạn nhân, bộ xương cùng với toàn bộ vật dụng, quần áo của nạn nhân được đưa về trụ sở UBND xã Cuối Hạ. Sau đó, cơ quan công an thông báo rộng rãi khắp các địa phương, gia đình nào có người mất tích thì đến nhân dạng. Ở xã vùng sâu vùng xa vốn bao năm yên bình này, việc phát hiện bộ xương dưới hầm than nhanh chóng được lan truyền đi khắp làng trên xóm dưới, người dân đến xem và nhận dạng đông nghịt kín hết cả sân UBND xã.

Bà Quách Thị Ẻng – mẹ ruột của nạn nhân

Trong đám đông ấy có một người đàn bà lớn tuổi cùng với chừng 10 người con cháu đi cùng đến xin nhận dạng thân nhân. Bà lão ấy tên là Quách Thị Ẹng (SN 1941 ở xóm Má, xã Cuối Hạ, huyện Kim Bôi). Vừa nhìn thấy bộ quần áo cùng đôi giày vải của nạn nhân, bà Ẹng đã gào khóc thảm thiết vì cho rằng bộ xương của người xấu số chính là con gái bà – chị Quách Thị Vẹn (SN 1977). Anh Quách Công Thiên (SN 1962), con trai cả của bà Ẹng và những người đi cùng bà Ẹng đều khẳng định đây chính là thi hài người thân của họ. Sở dĩ gia đình bà Ẹng đến nhận dạng và cho rằng bộ xương là của chị Vẹn là vì người phụ nữ này đã đi khỏi nhà từ hơn 4 tháng trước và gia đình không liên lạc được, không rõ sống chết ra sao.

Anh Quách Công Thiên – anh trai cả của nạn nhân

Anh Thiên cho biết: “Khi thấy gia đình tôi khóc lóc rồi nhận thi hài là của cô Vẹn, các đồng chí công an có hỏi gia đình tôi căn cứ vào đâu để khặng định như vậy. Tôi đại diện gia đình nói với các đồng chí ấy là thứ nhất là bộ quần áo và đôi giày của nạn nhân rất quen thuộc, giống với trang phục của cô Vẹn hôm mất tích. Hơn nữa, tại hiện trường còn tìm thấy một chùm chìa khóa nên tôi xin phép các đồng chí công an cho mang về thử với cửa nhà cô Vẹn vì tôi thấy chùm chìa khóa này rất giống với chùm chìa khóa cô Vẹn hay dùng để khóa cửa. Nghe vậy cơ quan công an đồng ý mang chùm chìa khóa về nhà cô Vẹn mở thử”.

Chiếc chìa khóa nằm dưới lòng đất lâu ngày đã bắt đầu hoen rỉ, các điều tra viên phải cạo rất lâu mới sạch hết lớp rỉ này đi. Vậy nhưng, cánh cửa nhà chị Vẹn đã bật mở ngay sau khi một điều tra viên cắm chìa khóa vào ổ khóa và vặn nhẹ. Để khẳng định chắc chắn hơn nữa, cơ quan điều tra đã trưng cầu giám định ADN giữa nạn nhân với gia đình bà Ẹng và thu được kết quả trùng khớp.

Người phụ nữ bất hạnh

Danh tính nạn nhân đã được xác định chính là chị Vẹn, dấu hiệu của một vụ án mạng cũng đã rõ, công việc tiếp theo là tìm ra ai là thủ phạm đã gây ra cái chết cho người đàn bà xấu số. Tuy nhiên, các mối quan hệ của chị Vẹn rất phức tạp. Chị Vẹn hay đi làm thuê ở ngoài thỉnh thoảng mới về nhà, có quan hệ với nhiều người đàn ông khác nhau. Tại địa phương, chị Vẹn lại ít giao lưu với những người xung quanh. Tuy nhiên, hung thủ thực sự của vụ án cuối cùng cũng phải lộ diện.

Chị Vẹn là con thứ 7 trong gia đình có tới 9 anh chị em. Trước đây, chị Vẹn từng chung sống với một người đàn ông ở xã bên như vợ chồng tại căn nhà nhỏ ở xóm Má, xã Cuối Hạ nhưng không đăng ký kết hôn. Hai người có với nhau một cô con gái sinh năm 1999, tên là Quách Thị Phương. Đến năm 2000, chị Vẹn lại mang thai đứa con gái thứ hai với người đàn ông này, tuy nhiên gần đến tháng sinh thì 2 người xảy ra mâu thuẫn. Người chồng không hôn thú của chị Vẹn sau trận cãi vã đã bỏ mẹ con chị ra đi và xây dựng gia đình với một người phụ nữ khác, để một mình chị Vẹn vượt cạn rồi nuôi con.

Một thân một mình phải kiếm sống nuôi hai đứa con nhỏ, anh chị em cũng không giúp được gì nhiều nên cuộc sống của chị vô cùng vất vả. Ở quê, ngoài việc thu nhập từ mấy sào ruộng thì không còn nguồn thu nào khác, do đó sau khi cai sữa đứa con thứ 2 – Quách Thị Mai, chị Vẹn đành gửi hai con cho bà Ẹng trông nom để ra ngoài làm thuê. Trong những năm tháng rong ruổi kiếm sống, chị Vẹn làm đủ nghề, có thời gian chị Vẹn đi phục vụ cho một quán giải khát tại ngã ba Vụ Bản thuộc huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình.

Khoảng cuối năm 2007, tại quán giải khát này, chị Vẹn có quen một người đàn ông tên Bùi Văn Cường (SN 1974, ở xóm Mòi, xã Tân Lập, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình). Cường vốn đã có vợ và 3 con ở quê nhưng vẫn có tính lăng nhăng với những cô gái bên ngoài. Hàng ngày, Cường đi mua trâu bò của dân bản miền núi mang về xuôi bán.

Sau mỗi chuyến buôn bán, Cường thường ghé vào quán nước mà chị Vẹn phục vụ để nghỉ ngơi. Tại đây, sau khi biết hoàn cảnh “đứt gánh giữa đường” của chị Vẹn, Cường đã buông lời tán tỉnh và chị Vẹn đã siêu lòng. Sau đó, hai người thường xuyên qua lại với nhau, có thời gian chị Vẹn đưa Cường về căn nhà nhỏ của mình ở thôn Má sinh sống như vợ chồng. Vào mùa vụ, hai người cùng nhau cấy ruộng, còn những lúc nông nhàn, chị Vẹn lại đi phục vụ cho nhà hàng còn Cường vẫn đi buôn trâu.

Sinh sống với nhau một thời gian thì giữa Cường với chị Vẹn lại xảy ra mâu thuẫn. Anh ta nghi ngờ chị Vẹn có quan hệ tình tứ với một người đàn ông ở huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình. Chuyện này ban đầu Cường nghe được từ một số người làm cùng quán chị Vẹn kể lại rằng, những lúc Cường đi buôn bán, chị Vẹn phục vụ ở quán, người đàn ông thứ 3 kia vẫn thường xuyên lui tới tán tỉnh chị Vẹn. Sau đó có một lần, Cường về nhà chị Vẹn thấy người đàn ông kia đang ngồi ở đây nên anh ta vô cùng bực tức.

Cường yêu cầu chị Vẹn ở nhà không đi làm nữa, mọi khoản chi tiêu hàng ngày anh ta sẽ cho tiền. Tuy nhiên, chị Vẹn biết rằng mối quan hệ giữa chị với Cường chỉ là tạm thời, hai người không có gì giàng buộc nhau nên vẫn kiên quyết đi phục vụ ở quán giải khát, tự kiếm tiền để nuôi hai con và trang trải cuộc sống.

Ngày 9/3/2008, chị Vẹn cùng người chồng hờ về ăn cưới cậu em trai út. Đến 18h cùng ngày, chị Vẹn bảo Cường đưa mình lên Lạc Sơn để kịp làm ca tối. Cường vốn không muốn nhân tình đi làm nữa nên anh ta đã hết nước hết cái khuyên can chị Vẹn nhưng người phụ nữ này vẫn kiên quyết không nghe. Về sau, Cường lấy lý do trời tối để giữ chị Vẹn ở nhà, sáng hôm sau mới đi nhưng chị Vẹn không đồng ý, nhất quyết phải đi ngay nên Cường đành miễn cưỡng đưa chị Vẹn đi. Trước khi hai người đi có chào mọi người nên những thành viên trong gia đình chị Vẹn biết chắc khi đó chị Vẹn đi với Cường nhưng không ai ngờ đó là chuyến đi cuối cùng của chị.

Trên đường đi, đến đoạn xóm Mường Vọ, (xã Cuối Hạ), Cường dừng xe để “nói chuyện phải trái” với chị Vẹn. Hai bên cùng giữ vững lập trường của mình nên cuộc cãi vã căng thẳng đã diễn ra. Trong cơn bực tức, Cường đã nhặt một hòn đá đập liên tiếp vào đầu chị Vẹn khiến nạn nhân gục chết ngay tại chỗ.

Sau khi ra tay hạ sát chị Vẹn, Cường tháo chiếc đồng hồ ở tay chị, móc lấy chiếc điện thoại di động trong túi của chị. Để che giấu tội ác của mình, anh ta mang xác nạn nhân đi tìm chỗ phi tang. Thấy trên quả đồi giữa cánh rừng ở bản Mường Vọ có một hầm than đã bị bỏ hoang từ lâu, nghĩ rằng sẽ chẳng ai xuống đó nữa nên Cường đứng ở miệng hầm ném xác nạn nhân xuống, sau đó ném bọc quần áo nạn nhân mang theo xuống hầm.

Xong việc, Cường trở về nhà mang bán chiếc điện thoại di động vẫn còn gắn sim của chị Vẹn cho một người xe ôm ở thị trấn Vụ Bản với giá 300 nghìn đồng, còn chiếc đồng hồ anh ta mang về tặng cho con trai mình. Với những chứng cứ không thể chối cãi, cuối cùng Cường phải cúi đầu nhận tội trước cơ quan điều tra và nhận mức án chung thân của Tòa án dành cho những tội lỗi mà anh ta gây ra.

Có một “Tòa án lương tâm” dành cho hung thủ

Chân dung hung thủ Bùi Văn Cường

Vụ án khép lại đến nay đã vừa tròn 7 năm, mọi thứ đã đổi thay nhiều. Tuy nhiên, khi chúng tôi tìm về nơi chị Vẻn sinh sống, nhắc lại vụ việc này, những người thân của chị và cả những người dân nơi đây vẫn nhớ rành mạch như vừa mới xảy ra ngày hôm qua. Và đằng sau vụ án ấy còn có nhiều câu chuyện ly kỳ nằm ngoài những tập hồ sơ dầy cộp của cơ quan công an hay tòa án.

Hai đứa con chị Vẹn khi mẹ qua đời một đứa mới lên 8, một đứa lên 9. Từ ngày bố mẹ bỏ nhau, bố chúng chưa một lần nhìn ngó đến con, mẹ qua đời, hai đứa nhỏ phải sống với bà ngoại già yếu. Học hết lớp 7, thương bà vất vả, hai đứa cùng bỏ học để đi làm thuê kiếm sống và mang tiền về phụ giúp bà. Đứa thì lên Hà Nội làm phụ xây với thu nhập hơn 100 nghìn/ ngày công. Đứa thì theo bạn vào tận Sài Gòn làm trong cơ sở sản xuất keo con voi.

Mấy hôm nay bà Ẹng bị ốm nặng, chẳng ăn uống được gì. Lâu rồi không có khách đến chơi nên khi chúng tôi đến, bà cụ quý lắm. Không ngồi được dậy để nói chuyện nhưng bà cụ vẫn cố giữ chúng tôi ngồi lại để bà chia sẻ những câu chuyện về đứa con gái bất hạnh của mình. “Ngày đó tôi khuyên cái Vẹn đừng đi làm ăn xa làm gì, ở nhà rau cháo mẹ con nuôi nhau cũng được nhưng nó không nghe. Cả cái chuyện chồng con của nó nữa, tôi cũng bảo nó yêu ai thì lấy người đó, cưới hỏi kết hôn đàng hoàng. Một đời chồng không hôn thú, nó đã bỏ mặc cho một mình nuôi hai đứa con mà vẫn chưa chừa, lại tiếp tục sống cảnh đó với cái thằng Cường ấy, để rồi phải chết một cách thê thảm như vậy”.

Theo bà Ẹng, có một câu chuyện rất ly kỳ liên quan đến vụ án này, đó là ngay sau ngày chị Vẹn mất tích, cháu Mai con gái thứ hai của chị bỗng nhiên ốm nặng rồi rụng hết tóc. “Hôm đó, khi con Vẹn đi theo thằng Cường, bé Mai khóc nhiều lắm. Nó nhất định không cho mẹ đi, thậm chí khi Vẹn ra đến cổng, Mai vẫn chạy theo lôi tay mẹ lại. Lúc ấy, chúng tôi chỉ nghĩ vì nó là trẻ con, theo mẹ là chuyện bình thường nên giữ con bé cho mẹ nó đi. Tối hôm đó ở nhà, bé Mai đột nhiên lăn ra ốm nặng. Đầu tóc cảm thấy rất ngứa nên Mai nó lấy tay gãi rồi dứt ra được từng nắm tóc rất dễ dàng. Từ đó, tóc trên đầu Mai cứ từ từ rụng đến khi không còn cọng nào. Gia đình khó khăn không có tiền đưa Mai đi khám nên chỉ dùng một vài phương pháp chữa bệnh dân gian nhưng không khỏi. Vậy là suốt ngày cháu Mai phải đội chiếc khăn trên đầu và không dám đi đâu vì xấu hổ”, bà Ẹng chia sẻ.

Việc Mai mắc căn bệnh lạ trong khi mẹ cháu không có nhà khiến cả gia đình bà Ẹng vô cùng lo lắng. Tuy nhiên, đến ngày 2/7/2008 thì bỗng nhiên tóc trên đầu cháu Mai mọc lại. Ngay buổi chiều hôm sau, mọi người trong gia đình bà Ẹng lại nhận được thông tin tìm thấy bộ xương ở dưới hầm than dưới cánh rừng Mường Vọ. Chẳng biết hai chuyện này có liên quan gì đến nhau hay không nhưng người nhà nạn nhân từ đó đến nay vẫn cho rằng việc cháu Mai bị rụng tóc rồi mọc lại chính là điềm báo của chị Vẹn trên đứa con của mình để báo hiệu cho mọi người biết rằng chị đã bị giết rồi phi tang và sắp được tìm thấy.

Chị Vẹn chụp ảnh cùng hai con gái trước khi bị sát hại ít lâu

Nhắc lại vụ việc, anh Quách Công Thiên – anh cả của nạn nhân cho biết, sau khi cơ quan công an bắt giữ Cường, anh và những người trong gia đình mới nhớ lại những tình tiết trước đây và té ngửa rằng mình đã quá tin người. Trong thời gian Cường sống với chị Vẹn, mọi người trong gia đình chị đều thấy anh ta là một người hiền lành, không bao giờ uống rượu say và không đánh đập gì chị Vẹn nên rất tin tưởng Cường.

Theo anh Thiên, cũng vì tin tưởng Cường nên khi chị Vẹn đi cùng Cường được một tuần, gia đình có gọi điện cho chị Vẹn nhưng đầu dây bên kia lại là một người đàn ông nghe máy. Anh ta nói làm xe ôm ở thị trấn Vụ Bản mới mua chiếc điện thoại và chiếc sim này dùng với giá 300 nghìn đồng. Gia đình tưởng chị Vẹn bán cho anh ta nên không để ý nữa.

Đến tuần tiếp theo, Cường một mình tìm về nhà chị Vẹn. Anh ta đến gặp mẹ và anh trai chị Vẹn với một thái độ khác lạ. Sau một hồi lúng túng đi ra đi vào trong nhà, anh ta mới nói rằng chị Vẹn đã đi Trung Quốc làm ăn, còn lâu nữa mới trở về. Toàn bộ ruộng vườn để lại cho anh cả của chị Vẹn cấy. Không những thế, anh ta còn đặt vấn đề muốn đón hai con gái của chị Vẹn về nhà anh ta để chăm sóc, tuy nhiên yêu cầu này đã không được bà Ẹng đồng ý. Cuối cùng, Cường sang nhà chị Vẹn, mở cửa lấy hai chiếc chăn chị vẫn dùng cùng một số quần áo của chị Vẹn và một nối cơm điện mang đi.

Từ đó, mọi người không ai liên lạc được với Cường nữa nên gia đình bắt đầu bán tín bán nghi. Cả gia đình chia nhau đi tìm chị Vẹn ở những nơi chị có thể đến nhưng đều bặt vô âm tín. Trong một lần chị gái của chị Vẹn đi xem bói, ông thầy bói bảo rằng chị Vẹn chính xác là đang làm ăn ở Trung Quốc, chẳng biết là đúng hay sai nhưng lại thấy trùng khớp với lời của Cường nói nên gia đình không nghi ngờ gì nữa. Sau này, gia đình mới biết số chăn và quần áo này được Cường mang đến khu vực miệng hầm nơi phi tang xác chị Vẹn để đốt.

Vậy là, trước khi vụ việc bị bại lộ và Cường phải chịu mức án chung thân của TAND tỉnh Hòa Bình thì anh ta đã phải chịu một “bản án” khác của “Tòa án lương tâm”. Anh ta đã phải chịu sự dày vò, cắn rứt muốn chuộc lỗi với chị Vẹn bằng cách nhận nuôi hai đứa con riêng của chị. Đồng thời mang quần áo và chăn màn chị Vẹn thường dùng đi hóa cho chị.

Cập nhật tin nhanh mới nhất về các vấn đề an ninh xã hội, tin quan su, pháp luật…