Những vấn đề trong nội dung luật nghề nghiệp

Thứ Năm, Tháng Năm 21st, 2015

TT – Văn phòng Chính phủ vừa có công văn gửi Bộ GD-ĐT, Bộ LĐ-TB&XH kèm kiến nghị khẩn của Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam về nội dung một số điều trong Luật giáo dục nghề nghiệp.

Học sinh tham quan phòng thực hành khoa cơ khí chế tạo ở Trường CĐ nghề Kỹ thuật công nghệ TP.HCM – Ảnh: Quang Phương

* Kiến nghị đưa việc xem xét, điều chỉnh Luật giáo dục nghề nghiệp vào chương trình làm việc Quốc hội

Văn phòng chính phủ cũng yêu cầu hai bộ cùng nghiên cứu, đề xuất và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Trước đó ngày 23-4, Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam đã có đơn kiến nghị gửi đến Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ ra nhiều nội dung còn bất hợp lý của Luật Giáo dục nghề nghiệp (GDNN). Hiệp hội dẫn chứng trong khi nhiều luật được thông qua với sự đồng thuận rất cao, riêng Luật GDNN tỉ lệ đồng thuận ở mức 53% cùng với những bất hợp lý trong nội dung một số điều của luật, cho thấy luật này chưa được chuẩn bị kỹ lưỡng.

Hiệp hội cho rằng những khiếm khuyết của Luật GDNN sẽ dẫn tới công tác đào tạo nguồn nhân lực không đáp ứng đòi hỏi của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, không hội nhập thế giới, làm cho lao động nước ta khó tìm kiếm việc làm ở các nước ASEAN và các nước khác, làm hạn chế một số mục tiêu mà Đảng và Nhà nước đang hướng tới.

Theo Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam, “một số nội dung của Luật GDNN không kế thừa thực tiễn, không đảm bảo hội nhập với khu vực và thế giới, làm biến dạng hệ thống giáo dục, hạn chế chất lượng nguồn nhân lực của đất nước”. Cụ thể, hiệp hội cho rằng có sự không chính xác khi quy định nội dung ở khoản 1 điều 3 Luật GDNN, vì GDNN là một lĩnh vực đào tạo nhân lực có thể thuộc nhiều bậc học, cấp học, trình độ khác nhau, chứ không thể dừng lại ở trình độ CĐ. Sự không chính xác trong quy định của luật dẫn tới loại bỏ trình độ CĐ ra khỏi bậc ĐH, không kế thừa và làm biến dạng hệ thống giáo dục quốc dân. Hiệp hội cũng cho rằng Luật GDNN có sự nhầm lẫn giữa trình độ đào tạo và trình độ tay nghề, đồng thời chưa xác định đúng về mục tiêu giáo dục nghề hay dạy nghề và GDNN.

Ngoài ra, các quy định về điều kiện tuyển sinh, thời gian đào tạo trong Luật GDNN “cũng chỉ phù hợp với giáo dục nghề”, không phù hợp, gây khó khăn khi xác lập mối quan hệ tương đương giữa hệ thống văn bằng giáo dục – đào tạo của Việt Nam và thế giới, nghĩa là không được thế giới công nhận rộng rãi. Hiệp hội cũng cho rằng việc quy định người tốt nghiệp CĐ được công nhận danh hiệu cử nhân thực hành hoặc kỹ sư thực hành theo Luật GDNN là “một quyết định chưa từng có trên thế giới và sẽ gây nhiều hệ lụy khó lường”.

Từ những bất cập của Luật GDNN, hiệp hội đưa ra ba kiến nghị. Thứ nhất, trước mắt Chính phủ giữ nguyên việc quản lý nhà nước về giáo dục như hiện nay. Thứ hai, kiến nghị Thủ tướng kịp thời chỉ đạo Hội đồng quốc gia giáo dục chủ trì, phối hợp với các tổ chức xã hội tiến hành hội thảo, lấy ý kiến đóng góp cho Luật GDNN. Thứ ba, trên cơ sở tổng hợp các ý kiến từ hội thảo và xã hội, kiến nghị Chính phủ đề nghị với Quốc hội đưa vào chương trình làm việc của Quốc hội xem xét và điều chỉnh lại một số nội dung của Luật GDNN trước khi luật bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1-7.

Trong trường hợp Quốc hội chưa kịp điều chỉnh nội dung của Luật GDNN, đề nghị Quốc hội ra quyết nghị giới hạn phạm vi điều chỉnh của luật, trước mắt chỉ cho lĩnh vực giáo dục nghề, chưa áp dụng cho lĩnh vực giáo dục chuyên nghiệp, đặc biệt đối với loại hình CĐ chuyên nghiệp.

Tin tức khác:

NGỌC HÀ