Một thời Arda Turan chơi máu lửa nay còn đâu

Thứ Tư, Tháng Tư 6th, 2016

Rời Atletico Madrid sang Barcelona, Arda muốn giã từ hình ảnh một chiến binh để được làm một nghệ sĩ. Nhưng cho đến nay anh vẫn chưa để lại một tác phẩm nghệ thuật nào.

Một thời Arda Turan chơi máu lửa nay còn đâu

Dấu ấn mới nhất của Arda Turan trong màu áo Barca có lẽ là trận El Clasico cuối tuần qua. HLV Luis Enrique rút Ivan Rakitic ra khỏi sân để tung tiền vệ tân binh này vào sân khi trận đấu còn chừng 15 phút. Kết quả? Barca mất thế trận rồi thua luôn, dù được chơi hơn người. Nhiều culé đã nhìn vào chi tiết này để biến Arda thành “vật tế thần”.

Trong cuộc họp báo trước trận đấu với Atletico ở lượt đi tứ kết Champions League tuần này, HLV Luis Enrique đã phải giải trình điều đó. Ông nói: “Tôi hoàn toàn hài lòng với Arda Turan. Cậu ấy mang đến rất nhiều thứ cho Barca. Dù chưa ở đây lâu, Arda đã thích nghi rất tốt. Còn trận El Clasico, chúng tôi không quy chụp cho bất kỳ ai cả”.

Turan là hổ báo tại Atletico Madrid, nhưng sang Barca, anh chỉ còn là cái bóng mờ khi đặt cạnh những Messi, Suarez hay Neymar… Ảnh: AFP.
Arda thích nghi tốt? Có lẽ cần phải định nghĩa lại xem thế nào là “tốt”. Từ khi chính thức được thi đấu từ đầu tháng 1 đến nay, Arda chỉ mới đá trọn vẹn 90 phút trong năm trận đấu, trong đó hai trận là tại Cup Nhà vua – đấu trường mà Barca chỉ dùng đội hình hai. Trong những trận đấu quan trọng, chẳng hạn như tại Champions League và trận El Clasico mới đây, Arda hoặc là không đá, hoặc chỉ đá vài chục phút cuối. Từ chỗ là nhân vật trung tâm trong lối chơi của Atletico, Arda bây giờ chỉ là một người có cũng được, không có cũng chẳng sao ở Nou Camp.

Nhìn cách Barca sử dụng Turan, các CĐV có lý do để hoài nghi là họ mua tiền vệ Thổ Nhĩ Kỳ cốt chỉ để làm suy yếu Atletico. Đấy là cách mà Bayern Munich ở Đức và Juventus ở Italy vẫn làm để tăng thêm sức mạnh, đồng thời “hút máu” của các đối thủ mon men đe dọa vương triều của họ. Thậm chí truyền thông Tây Ban Nha còn cho rằng Barca mua Turan như một chiêu PR cho Josep Bartomeu, người chính thức trở thành Chủ tịch Barca hồi đầu mùa bóng này.

Cùng với Arda, mùa hè qua Barca còn mua cả Aleix Vidal của Sevilla, dù đang trong thời gian cấm chuyển nhượng. Cả Arda lẫn Aleix cùng ngồi chơi xơi nước những nửa năm trước khi được thi đấu vào đầu năm nay, tất nhiên họ chỉ thi đấu trên vai trò… dự bị là chủ yếu.

Đời một cầu thủ, gia nhập Barca, làm đồng đội với những Lionel Messi, Neymar, Luis Suarez… rõ ràng là vinh dự lớn. Nhưng niềm vui ấy có đáng để đánh đổi bằng việc phải ngồi dự bị, nhìn đồng đội thi đấu mà lòng như lửa đốt? Chúng ta không ai xa lạ gì Arda Turan, một người luôn vào sân với tinh thần của một chiến binh, một người xem việc thi đấu không khác gì chiến đấu.

Sự nghiệp của Turan lên đỉnh cao cùng với Diego Simeone tại Atletico. HLV người Argentina biến anh thành hạt nhân của một Atletico đã bất ngờ vô địch La Liga và vào đến tận trận chung kết Champions League hai năm trước. Suốt mấy năm trời, Arda là người truyền đạt thứ bóng đá cực kỳ máu lửa và đàn ông của Atletico trên sân. Anh lên công về thủ, cầm bóng gây ức chế cho đối thủ, sút xa phá thế bế tắc, kiến tạo cho các tiền đạo ghi bàn và di chuyển không biết mệt mỏi. Arda từng nói: “Tôi trao cho Simeone trái tim mình”.

Turan từng chơi rất hay khi Atletico Madrid quật ngã Barca ở bán kết năm 2014. Ảnh: AFP.
Arda rất hợp với Simeone bởi anh là một người không biết đầu hàng nghịch cảnh. Quê hương của anh, Bayrampasha ở Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ, thậm chí còn chưa được trải nhựa khi Arda còn nhỏ (mới đây chính quyền còn quy hoạch nơi này thành nơi xây… nhà tù và các công ty công nghiệp). Mặc kệ, Arda vẫn yêu quả bóng, vẫn thi đấu trên những con đường mấp mô với hình ảnh của thần tượng Gheorghe Hagi trong tim. Rồi anh được Galatasaray tuyển mộ, và lên tuyển. Nơi nào Arda cũng mau chóng trở thành thủ lĩnh về cả lối chơi lẫn tinh thần bởi cái chất chiến binh nổi tiếng.