Sự tàn bạo của lính Đức trong Thế chiến II qua nhật ký

Thứ Bảy, Tháng Tư 11th, 2015

“Họ đang nghĩ gì khi cái chết sắp tới? Tôi đoán mỗi người trong số họ đều hy vọng chúng tôi sẽ bắn trượt và họ không chết”, một lính Đức Quốc mô tả cảm xúc.

Sự tàn bạo của lính Đức trong Thế chiến II qua nhật ký
Trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, nhiệm vụ chính của lực lượng SS là đảm bảo trị an trong những vùng mà quân Đức chiếm. Ảnh: photosofwar.net

 

Felix Landau là một thành viên của SS, lực lượng vũ trang khét tiếng của chế độ phát xít tại Đức. Trong phần lớn thời gian của Chiến tranh Thế giới thứ hai, y phục vụ trong một biệt đội cơ động, chuyên thực hiện các vụ hành quyết người Do Thái, giới trí thức Ba Lan, dân gypsy mang quốc tịch Romania và những người chống đối trong lãnh thổ mà Đức chiếm. Các chiến dịch mà Landau tham gia diễn ra trên khắp lãnh thổ Ba Lan và Ukraine.

Cuốn nhật ký mà Landau viết từ tháng 7/1941 cho thấy những tội ác khủng khiếp của y khi thực hiện nhiệm vụ tại thành phố Drohobych ở phía tây Ukraine. Sự vô cảm của y trong các vụ hành quyết là nét đặc trưng của những thành viên SS khi chúng giết người hàng loạt. Trong nhật ký, Landau tự mô tả những hành vi giết người tàn nhẫn.

Chẳng hạn, y thường xuyên bắn người Do Thái trên đường mỗi khi y đứng gần cửa sổ. Sau khi chiến tranh kết thúc, Landau trốn ở một nơi bí mật. Mãi tới năm 1959, quân Đồng minh mới bắt được y và xét xử. Dù nhận bản án chung thân, nhưng Landau ra tù vào năm 1971 do “cải tạo tốt”. Y chết vào năm 1983.

Nhờ cuốn nhật ký của Landau, thế hệ sau biết những hành vi tàn ác của y cũng như sự tàn khốc của Chiến tranh Thế giới thứ hai.

Ngày 30/6/1941 

“Thứ hai, ngày 30/6/1941, sau một đêm không ngủ, tôi tình nguyện tham gia lực lượng thanh trừng cơ động (EK) vì một số lý do. Tới 9h sáng, tôi biết tin cấp trên chấp nhận yêu cầu của tôi”, Landau mô tả quá trình đấu tranh tư tưởng để gia nhập EK. Ngay tối hôm ấy đơn vị của y tới thành phố Krakow của Ba Lan.

Ngày 2/7/1941 

Vào hôm ấy, đơn vị của Landau phải dậy từ lúc 6h để hành quân. Trong quá trình di chuyển, y thấy nhiều trẻ em và phụ nữ đứng gần những ngôi nhà cháy. Chúng cũng gặp những người lính Ukraine.

“Khi chúng tôi tới gần chiến tuyến của người Nga, mùi thối của tử thi trở nên nồng nặc dần”, Landou mô tả.

Lúc 4h chiều cùng ngày, đơn vị của Landau tới thành phố Lemberg của Ukraine. Ngay sau khi tới đây, chúng bắn vài người Do Thái và chiếm một trường quan su. Những thành viên mới của nhóm tỏ ra hăng hái nhất trong việc giết người. Những tên lính Đức thu thập những thứ cần thiết nhất rồi bắt một số người Do Thái dọn dẹp trường quân sự để chúng nghỉ ngơi.

Vào buổi sáng 3/7/1941, cấp trên ra lệnh cho đơn vị của Landau bắn khoảng 500 người Do Thái. Khi Landou tới địa điểm xử bắn, y thấy những người Do Thái đã xếp thành hàng.

“Trước khi bắn, chúng tôi mặc niệm những phi công Đức và binh sĩ Ukraine tử trận. 800 người Đức và Ukraine đã chết ở đây”, y viết.

Ngày 12/7/1941

Đột nhiên Landau tỉnh sau một giấc ngủ sâu vào lúc 6h sáng. Thượng cấp lại yêu cầu y thực hiện một vụ hành quyết.

“Như mọi khi, tôi sẽ đóng vai đao phủ trước khi thực hiện công việc đào huyệt. Điều mà tôi băn khoăn là: Tôi yêu chiến trường nhưng lại phải bắn những người không có khả năng tự vệ. 23 người đang chờ chúng tôi giết, bao gồm hai phụ nữ. Khi chúng tôi đưa cốc nước để họ uống trước khi chết, họ từ chối. Đây là hành động mà tôi không thể tin nổi”, Landau thổ lộ.

Nhiệm vụ chính của Landou trong vụ hành quyết là bắn những người chạy. Ô tô đưa các tù nhân ra khỏi thành phố Drohobych rồi rẽ vào một khu rừng. Chỉ 6 lính SS thực hiện vụ hành quyết và chúng phải tìm vị trí thích hợp để bắn rồi chôn các tù nhân. Sau vài phút toán lính chọn một vị trí trong rừng. Nhóm tù nhân phải cầm xẻng để đào huyệt dành cho chính họ. Hai người trong nhóm tù nhân khóc.

“Những người còn lại tỏ ra can đảm. Họ đang nghĩ gì khi cái chết sắp tới? Tôi đoán mỗi người trong số họ đều hy vọng chúng tôi sẽ bắn trượt và họ không chết. Nhóm tù nhân phải chia thành ba nhóm rồi lần lượt đào huyệt vì chúng tôi không có đủ xẻng cho cả nhóm”, Landau mô tả.

Landau không hề cảm thấy thương hại hay day dứt khi nhìn nhóm tù nhân đào huyệt.

“Tâm trí tôi trống rỗng. Chiến tranh là vậy. Mọi thứ sẽ kết thúc khi họ chết. Tim tôi đập nhanh hơn một chút khi tôi nghĩ tới cảnh tôi đối mặt với tình huống giống họ bây giờ”, y thừa nhận.